Đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết

Hotline tư vấn khách hàng 0989051438 0976109568

Đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết
Ngày đăng: 30/01/2021 10:18 PM

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng không tạm ngừng bay quốc tế, các hãng đều dồn sức bay nội địa, cạnh tranh mạnh với đường sắt và đường bộ. Dù sát Tết nhưng vé máy bay vẫn còn khá nhiều với mức giá tương đối rẻ, thậm chí tàu hỏa đang "ế" vé số lượng lớn. Các đơn vị bến xe, doanh nghiệp (DN) vận tải khách bằng ô-tô cũng sẵn sàng các phương án, huy động phương tiện dự phòng, bảo đảm không để hành khách nào không có xe về quê đón Tết.

Số chỗ máy bay còn khá lớn

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), dự báo dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng hành khách đi lại không tăng hơn Tết năm trước, trái lại còn giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để chủ động dự phòng, Cục HKVN và các hãng vẫn chuẩn bị kịch bản lượng khách dịp cao điểm Tết tăng từ 10 đến 20%, đạt khoảng 7,5 triệu khách trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán. Do tạm ngừng bay quốc tế, các hãng hàng không đều khẳng định đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu khai thác các đường bay nội địa trong trường hợp nhu cầu đi lại tăng cao đột biến. Từ ngày 27-1 đến 26-2, các hãng Vietnam Airlines (VNA), Pacific Airlines và VASCO sẽ tăng cường hơn 414 nghìn chỗ, tương đương hơn 2.100 chuyến bay. Như vậy, cùng với các chuyến bay thường lệ, ba hãng này cung ứng gần 12 nghìn chuyến bay với khoảng 2,4 triệu chỗ trong dịp Tết. Lãnh đạo VNA cho biết, hãng sẽ tập trung tăng tải trên các đường bay có nhu cầu lớn như giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt,... Hãng hàng không Vietjet Air (VJA) cũng mở bán 1,5 triệu vé bay dịp Tết từ rất sớm ở hơn 50 đường bay phủ khắp cả nước mà hãng đang khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch tăng cao của hành khách.

Thông thường hằng năm, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, để mua được vé máy bay về quê đón Tết, hành khách phải "săn" từ rất sớm với mức giá cao, thậm chí vé khứ hồi chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có thể lên tới cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng vé của các hãng vẫn còn khá lớn. Khảo sát trong vòng nửa tháng trở lại đây, trên những trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không dịp cao điểm trước Tết (từ ngày 9 đến 11-2) hay sau Tết (từ 15 đến 18-2), đối với đường bay trục TP Hồ Chí Minh - Hà Nội có lượng khách đông đúc nhất, hãng VNA vẫn giữ giá vé khá ổn định với mức dao động từ 2,6 triệu đồng/vé đến 6 triệu đồng (tùy vị trí chỗ, đã bao gồm thuế, phí); các hãng khác dao động từ 2,3 đến 3,5 triệu đồng/vé. Nếu bay hãng VJA, chiều Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh ngày 10-2 (ngày 29 tháng Chạp) giá vé khoảng 555 nghìn đồng, còn chiều ngược lại giá vé khoảng 900 nghìn đồng. Anh Nguyễn Chí Thành (phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, thấy năm nay giá vé máy bay rẻ, anh đã bàn với vợ đưa cả nhà vào TP Hồ Chí Minh đón Tết với bố mẹ vợ. "Chỉ khoảng 2 triệu đồng một vé máy bay khứ hồi trong dịp cao điểm Tết, rẻ hơn cả đi tàu, tội gì không cho vợ con vào nam ăn Tết một chuyến. Vợ con thấy thế vui lắm!", anh Thành cười vui vẻ. Theo đánh giá của anh, vé máy bay dịp Tết Nguyên đán năm nay không đắt, nếu chọn đi trước và sau dịp cao điểm dăm ba ngày, người dân hoàn toàn có thể mua vé máy bay giá rẻ ngang giá vé ô-tô.

Cục HKVN đã yêu cầu các hãng hàng không xây dựng lịch bay, kế hoạch khai thác phù hợp nhu cầu đi lại và phù hợp hạ tầng cảng hàng không. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không phải xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực bảo đảm phục vụ tốt, an toàn tuyệt đối các chuyến bay. Trường hợp nhu cầu đi lại lớn, các cảng hàng không quốc tế sẽ đưa nhà ga quốc tế vào khai thác đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Với việc không khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hãng hàng không có đủ nguồn lực, quỹ slot để khai thác các đường bay nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nếu có nhu cầu đột biến.

Đường sắt và đường bộ thừa vé

Để phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 10-2020, ngành đường sắt mở bán khoảng 240 nghìn vé tàu với nhiều hình thức, nhất là bán trực tiếp đến các trường đại học và khu công nghiệp để phục vụ sinh viên và người lao động; giảm 50% giá vé tàu Tết trên tuyến bắc - nam cho trẻ em,... Tuy nhiên, thời điểm này, lượng vé tàu hỏa còn đang tồn số lượng lớn, khác hẳn tình trạng khan hiếm vé tàu Tết như mọi năm. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Phùng Thị Lý Hà, công ty dự kiến bán ra 178 nghìn vé trên 354 chuyến tàu trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng đến nay vẫn còn gần 70 nghìn vé chưa bán, chiếm gần 40%. Trong khi các năm trước, thời điểm này đơn vị đã bán được khoảng 80% số vé. Trên thực tế, các ngày cao điểm, loại chỗ tốt đều đã bán hết vé ngay sau khi mở bán một vài ngày, tàu chiều từ nam ra bắc đã phủ kín chỗ, tuy nhiên chiều ngược lại vẫn còn nhiều vé chưa bán được. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, dự báo năm nay, VNR chỉ đạt hơn 70% sản lượng vé bán Tết Nguyên đán so năm trước, việc bố trí đoàn tàu Tết cũng giảm vì kể cả tăng cường lịch chạy cũng không thu hút được khách và càng chạy càng lỗ. Ngành đường sắt chủ trương không tăng chuyến và để tàu dự phòng, nhằm chủ động xử lý nếu có sự cố xảy ra, không bị phá vỡ biểu đồ chạy tàu, bảo đảm phục vụ chất lượng tốt hơn cho hành khách. Chỉ ra nguyên nhân vé tàu Tết ế ẩm, ông Minh cho rằng, trong khi hàng không vé ngang bằng, thậm chí rẻ hơn tàu hỏa, thì giờ giấc cũng thuận tiện hơn, cứ 15 đến 30 phút lại có một chuyến bay và bay liên tục từ sáng sớm đến đêm khuya, còn đường sắt bị hạn chế về giờ tàu chạy và không linh hoạt thời gian vào các đô thị cho nên không còn hấp dẫn người dân.

Với đường bộ, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, để bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, nhất là chiều từ Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại, Cục Cảnh sát giao thông đã có phương án phân luồng từ xa, các vùng giáp ranh đều được lên kế hoạch chỉ huy chống ùn tắc rất cụ thể, có cơ chế gắn trách nhiệm, thông tin rõ ràng. Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, dịp Tết Nguyên đán, dự kiến lượng khách sẽ tăng 130% đến 150% so ngày thường. Các DN vận tải đang hoạt động bình quân khoảng 50% hệ số trọng tải, do đó lượng xe cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu dịp Tết. Các DN vận tải đã dự phòng khoảng 2.000 xe tăng cường để bảo đảm mọi người đều có thể về quê đón Tết. Một số tuyến từ Hà Nội đi Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai,… có thể xảy ra ùn tắc cục bộ từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị bảo đảm chất lượng phương tiện, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, chở quá tải, không để xảy ra tình trạng nhồi nhét, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời giải tỏa hành khách trong những ngày cao điểm Tết.

Theo Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục cũng đã yêu cầu các DN vận tải trên cả nước chuẩn bị huy động đủ phương tiện, không chở quá số người quy định trong dịp Tết. Người dân đi lại vẫn phải phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay. Ngoài ra, Tổng cục cũng yêu cầu các DN vận tải không tăng giá vé trong dịp Tết để hỗ trợ người dân đi lại; nếu DN tăng giá vé để bù chiều rỗng, không được tăng vượt 60%, các tuyến ngắn cần giữ nguyên giá vé trong ba ngày Tết, DN nào cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các nhà đầu tư BOT thực hiện thu phí không dừng, chủ động mở trạm, tạm dừng thu phí để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông. Các địa phương thành lập và duy trì bộ phận ứng trực, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải bảo đảm giao thông dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân. Đồng thời, công bố rộng rãi các số điện thoại "đường dây nóng" để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn xảy ra. 

Zalo